Quý độc giả vui lòng gửi câu hỏi bắng cách nhấn vào nút "Gửi câu hỏi" và xem nội dung các câu trả lời đã có ở phía dưới!
Tìm kiếm nội dung hỏi đáp
Vui lòng điền tiêu đề câu hỏi hoặc tên người hỏi vào ô tìm kiếm dưới đây.
Danh sách câu hỏi và câu trả lời
Phân chia tài sản sau khi ly hôn
Nội dung câu hỏi
Mẹ tôi có nhà riêng từ khi chưa lấy bố tôi. Sau khi kết hôn, mẹ tôi bán căn nhà đó rồi lấy tiền mua một căn mới. Căn nhà mới do bố tôi đứng tên. Khi ly hôn, căn nhà đó có phải chia cho bố tôi không?
Đỗ Thắng (18/12/2017 16:14) - Phú Lương, Thái Nguyên
Trả lời
Để trả lời câu hỏi: căn nhà có phải chia cho bố bạn khi bố mẹ bạn ly hôn hay không thì cần cần phải xác định căn nhà đó là tài sản riêng của mẹ bạn hay tài sản chung của hai bố mẹ bạn.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Như bạn trình bày thì căn nhà được mua bằng tiền bán căn nhà riêng của mẹ bạn và không thấy đề cập đến việc bố mẹ bạn có thỏa thuận đây là tài sản chung. Tuy nhiên, việc mẹ bạn để bố bạn đứng tên chủ sở hữu căn nhà có thể hiểu rằng đây không còn là tài sản riêng của mẹ bạn mà trở thành tài sản chung của hai bố mẹ bạn.
Hơn nữa, Luật hôn nhân và gia đình 2014, tại Điều 33 quy định: khi ly hôn, nếu không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung. Do đó, nếu mẹ bạn không chứng minh được căn nhà đó là tài sản riêng của mình thì theo quy định của pháp luật, tài sản đó được coi là tài sản chung và khi ly hôn, bố bạn sẽ được nhận một phần tài sản từ khối tài sản chung đó.
xuatbantin (18/12/2017 16:14)
Con nuôi của thương binh có được hưởng chế độ không?
Nội dung câu hỏi
Tôi là con nuôi hợp pháp của 1 thương binh, tỷ lệ thương tật 61%. Vậy, trường hợp của tôi có được hưởng các chính sách ưu đãi không?
Phan Tuấn Kiệt (18/12/2017 16:17) - Phú Lương, Thái Nguyên
Trả lời
Con nuôi hợp pháp của người có công được hưởng các chế độ ưu đãi như đối với con đẻ. Trường hợp của ông nếu được pháp luật thừa nhận thì sẽ được hưởng các chế độ ưu đãi.
(Trả lời từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội)
xuatbantin (18/12/2017 16:18)
Quy định về chế độ nghỉ dưỡng sức
Nội dung câu hỏi
Theo tôi được biết, theo Công văn số 1288/BHXH CĐCS ngày 23/7/2001 có chế độ người lao động đóng bảo hiểm liên tục trên 3 năm thì Công ty sẽ cho nghỉ dưỡng sức, tiền dưỡng sức này Bảo hiểm sẽ thanh toán (ví dụ anh A Công ty có quyết định cho nghỉ dưỡng sức tại gia đình 8 ngày thì được hưởng số tiền 400.000 đồng). Xin hỏi, quy định này có còn được áp dụng không, tôi hỏi thì Công ty bảo không có chế độ này?
Đặng Hòa (18/12/2017 16:20) - Phú Lương, Thái Nguyên
Trả lời
Quy định này không còn áp dụng kể từ khi thực hiện Luật BHXH năm 2006 có hiệu lực từ ngày 1/1/2007. Cụ thể như sau: Người lao động sau thời gian hưởng chế độ ốm đau; Lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ thai sản theo quy định; Người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp, mà sức khỏe còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khoẻ từ 5 ngày đến 10 ngày. Mức hưởng 1 ngày bằng 25% mức lương tối thiểu chung (nay là mức lương cơ sở) nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại gia đình; bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại cơ sở tập trung.
xuatbantin (18/12/2017 16:20)
Đóng BHXK ở 2 công ty có được không?
Nội dung câu hỏi
Tôi có ký HĐLĐ và đóng BHXH tại Công ty thứ 2 trong khi vẫn tham gia đóng BHXH tại Công ty thứ 1 (thời gian đóng ở Công ty thứ 2 là 1 tháng) cùng 1 sổ BHXH. Vậy, trường hợp đóng BHXH cùng lúc ở 2 Công ty có gặp rắc rối gì khi tôi làm thủ tục nghỉ hưu theo quy định không? Nếu có thì tôi phải làm các thủ tục gì để điều chỉnh?
Nguyễn Hoàng Thi (18/12/2017 16:24) - Phú Lương, Thái Nguyên
Trả lời
Căn cứ Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn của BHXH Việt Nam: Người lao động đồng thời làm việc và hưởng tiền lương, tiền công từ 2 nơi trở lên, thì đóng BHXH, BHYT, BHTN ở nơi có mức tiền lương, tiền công cao nhất hoặc nơi ký HĐLĐ có thời hạn dài nhất. Công ty còn lại có trách nhiệm trả phần nghĩa vụ của người sử dụng lao động vào lương hàng tháng cho người lao động. Trường hợp của bà Nhung cần nộp sổ cấp trùng cho đơn vị đang làm việc để được gộp sổ và thoái thu theo quy định.
xuatbantin (18/12/2017 16:24)
Những bảo đảm của Nhà nước cho người sử dụng đất như thế nào?
Nội dung câu hỏi
Kính gửi quý cơ quan. Nhờ quý cơ quan cho tôi thông tin về những bảo đảm của Nhà nước cho người sử dụng đất như thế nào?
Tạ Minh Thắng (18/12/2017 16:27) - Phú Lương, Thái Nguyên
Trả lời
Điều 10 Luật Đất đai năm 2003 quy định về những đảm bảo cho người sử dụng đất, bao gồm:
- Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất.
- Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối có đất để sản xuất; đồng thời có chính sách ưu đãi đầu tư, đào tạo nghề, phát triển ngành nghề, tạo việc làm cho lao động ở nông thôn phù hợp với quá trình chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất và không xem xét giải quyết khiếu nại về việc đòi lại đất mà Nhà nước đã giao cho người khác sử dụng theo các chính sách ruộng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 trong các trường hợp sau:
+ Đất bị tịch thu, trưng thu, trưng mua khi thực hiện cải cách ruộng đất ở miền Bắc; chính sách xoá bỏ triệt để tàn tích chiếm hữu ruộng đất và các hình thức bóc lột thực dân, phong kiến ở miền Nam;
+ Đất đã hiến tặng cho Nhà nước, cho hợp tác xã và tổ chức khác, cho hộ gia đình, cá nhân;
+ Đất đã góp vào hợp tác xã nông nghiệp theo quy định của Điều lệ hợp tác xã nông nghiệp bậc cao;
+ Đất thổ cư mà Nhà nước đã giao cho người khác để làm đất ở; đất ở và đất vườn đã giao lại cho hợp tác xã để đi khai hoang; ruộng đất đã bị thu hồi để giao cho người khác hoặc điều chỉnh cho người khác khi giải quyết tranh chấp ruộng đất;
+ Đất đã chia cho người khác khi hưởng ứng cuộc vận động san sẻ bớt một phần ruộng đất để chia cho người không có ruộng và thiếu ruộng tại miền Nam sau ngày giải phóng.
- Việc giải quyết các trường hợp khiếu nại, tranh chấp về đất đai phải căn cứ vào pháp luật về đất đai tại thời điểm xảy ra các quan hệ đất đai dẫn đến khiếu nại, tranh chấp chủ yếu bao gồm các văn bản có liên quan đến đất đai sau đây:
+ Luật cải cách ruộng đất ban hành ngày 04 tháng 12 năm 1953 của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà;
+ Thông tư số 73/TTg ngày 07 tháng 7 năm 1962 của Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà về việc quản lý đất của tư nhân cho thuê, đất vắng chủ, đất bỏ hoang tại nội thành, nội thị;
+ Điều lệ hợp tác xã nông nghiệp bậc cao ban hành ngày 01 tháng 5 năm 1969;
+ Nghị quyết số 125-CP ngày 28 tháng 6 năm 1971 của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà về việc tăng cường công tác quản lý ruộng đất;
+ Nghị định số 47-CP ngày 15 tháng 3 năm 1972 của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ban hành Điều lệ tạm thời về việc lựa chọn địa điểm công trình và quản lý đất xây dựng;
+ Nghị quyết số 28-CP ngày 16 tháng 12 năm 1973 của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà về việc di chuyển dân cư để giải phóng lòng sông;
+ Quyết định số 129-CP ngày 25 tháng 5 năm 1974 của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà về việc ban hành chính sách đối với các hợp tác xã mở rộng diện tích phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp ở trung du và miền núi;
+ Nghị định số 01/NĐ/75 ngày 05 tháng 3 năm 1975 của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam về chính sách ruộng đất;
+ Chỉ thị số 235-CT/TW ngày 20 tháng 8 năm 1976 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam về việc thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về vấn đề ruộng đất ở miền Nam;
+ Quyết định số 188/CP ngày 25 tháng 9 năm 1976 của Hội đồng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về chính sách xoá bỏ triệt để tàn tích chiếm hữu ruộng đất và các hình thức bóc lột thực dân, phong kiến ở miền Nam Việt Nam;
+ Quyết định số 318/CP ngày 14 tháng 12 năm 1978 của Hội đồng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về xoá bỏ hình thức bóc lột tư bản chủ nghĩa về ruộng đất và xúc tiến điều chỉnh ruộng đất ở nông thôn miền Nam;
+ Quyết định số 201/CP ngày 01 tháng 7 năm 1980 của Hội đồng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc thống nhất quản lý ruộng đất và tăng cường công tác quản lý ruộng đất trong cả nước;
+ Luật đất đai năm 1987 và Nghị định số 30/HĐBT ngày 23 tháng 3 năm 1989 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thi hành Luật đất đai năm 1987;
+ Quyết định số 13-HĐBT ngày 01 tháng 02 năm 1989 của Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc giải quyết một số vấn đề cấp bách về ruộng đất.
- Việc giải quyết đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp có công trình xây dựng trên đất do Nhà nước quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01 tháng 7 năm 1991 được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003 của Quốc hội và văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Nghị quyết này.